Thuê thợ phá khóa để... trộm cắp
Tháng 12-2013, Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thị Bích Tuyền (20 tuổi) - sinh viên một trường ĐH trên địa bàn về hành vi trộm cắp tài sản. Đầu tháng 12, Tuyền đến nhà chị N.T.T (phường 8, TP Vũng Tàu) chơi. Sau khi Tuyền ra về, gia đình chị T phát hiện bị mất chùm chìa khóa nhà. Sau đó ít ngày, chị T đi làm về thì thấy cửa nhà không khóa, còn 3 chiếc máy tính xách tay đã “không cánh mà bay”. Tại cơ quan công an, Tuyền khai nhận khi đến nhà chị T chơi, do nhìn thấy có nhiều tài sản giá trị nên nảy sinh ý định trộm cắp. Tranh thủ lúc mọi người không để ý, Tuyền đã lấy trộm chùm chìa khóa và mang đi đánh thêm chìa, rồi ném trả chùm chìa khóa cũ. Khi gia đình chị T đi vắng, Tuyền đến mở cửa song do chị T đã thay ổ khóa nên không mở được. Liều hơn, Tuyền thuê thợ sửa khóa về phá khóa nhà chị T rồi lấy trộm 3 chiếc máy tính xách tay.
Với thủ đoạn tương tự, Trần Thị Yến Linh (43 tuổi, ở Trà Vinh) sau 2 tuần làm giúp việc cho gia đình ông S (ở quận 12, TP Hồ Chí Minh) đã hỏi vay 150 triệu đồng nhưng vợ chồng ông S từ chối. Do vậy, Linh đã nảy sinh ý định trộm tài sản. Lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, Linh nhân danh chủ nhà gọi thợ sửa khóa đến yêu cầu phá khóa két lấy trộm toàn bộ 20 lượng vàng và 90 triệu đồng rồi bỏ trốn. Với hành vi này, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Thị Yến Linh 16 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Liên quan đến những thợ khóa tiếp tay cho hành vi phạm tội, có lần bảo vệ một trường học thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội đã phát hiện 3 đối tượng đột nhập trường để tráo bài thi, trong đó có 1 người là thợ khóa tự do được thuê để phá khóa.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Phóng viên ANTĐ đi dạo một vòng qua một số phố tập trung nhiều thợ khóa như Nguyễn Thái Học, Đội Cấn... và gọi đến một số điện thoại đăng trên mạng để yêu cầu họ phá khóa cửa do mất chìa khóa. Mối quan tâm duy nhất của những người thợ sửa khóa này là tiền công thế nào và điểm đến có xa không. Không có người nào đặt câu hỏi liên quan đến việc chúng tôi có phải là chủ nhà thực sự hay không. Điều này chứng tỏ không ít thợ sửa khóa hiện nay còn rất chủ quan.
Ở một khía cạnh khác, một số thợ sửa khóa lại lợi dụng gia chủ để bắt bí, “chặt chém”, nhất là vào dịp cuối năm. Thông thường khi gặp các sự cố liên quan tới khóa, đặc biệt là khóa cửa, nhiều người bắt buộc tìm đến dịch vụ sửa khóa tại nhà. Một số khách hàng đã bị các thợ khóa hét giá trên trời. Bà Nguyễn Thị Vân ở khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy cho biết, một lần sau khi đi làm về, bà phát hiện chùm chìa khóa gồm khóa cửa, khóa tủ… đã rơi mất nên phải gọi thợ khóa vào nhà. Sau khi thợ mở xong 2 khóa và thay khóa cửa, bà Vân được yêu cầu thanh toán 500.000 đồng. Thắc mắc, bà Vân nhận được cầu trả lời: “Cuối năm, việc nhiều nên tiền công sửa chữa cũng tăng theo”. Không chỉ có vậy, khi thợ sửa khóa ra về, bà Vân kiểm tra lại thì thấy khóa mới được thay là khóa kém chất lượng với các bộ phận khá lỏng lẻo, có chỗ đã han gỉ.
Về vấn đề trên, luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong các gia đình, việc ổ khóa bị hư hỏng hay bị mất chìa khóa là sự cố ngoài ý muốn. Khi khóa hỏng, người sử dụng thường nảy sinh tâm trạng lo lắng, bất ổn nên không quan tâm nhiều đến giá cả ngay từ đầu. Chỉ đến khi mọi việc xong xuôi và nghe thợ sửa “hét” giá, họ mới bừng tỉnh thì đã muộn. Để tránh rơi vào hoàn cảnh này, khách hàng nên rất cẩn trọng, thỏa thuận kỹ về giá cả trước khi thợ bắt tay vào việc, tự kiểm tra kỹ chất lượng của khóa mới sau khi việc thay thế hoàn tất.
Về một số vụ trộm cắp liên quan đến thợ sửa khóa, luật sư Võ Đình Hải phân tích, tình trạng phổ biến hiện nay là khi nhận được đề nghị nào về việc phá khóa, hầu hết các thợ khóa không có bất kỳ động thái nào để xác thực lại xem người thuê có phải là chủ nhà hay không. Do đó, nguy cơ họ vô tình tiếp tay cho kẻ gian là rất cao. Thực tế đã xảy ra không ít vụ việc kẻ gian mượn tay thợ khóa thực hiện hành vi phạm tội, thậm chí có trường hợp vợ còn thuê người phá khóa két của chồng, con phá két của bố mẹ để trộm cắp tài sản.
Trong những trường hợp này, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm… của hành vi, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những người thợ phá khóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, để tự bảo vệ mình, mỗi người thợ sửa khóa cần nêu cao tinh thần cảnh giác, trước khi mở khóa cần tìm cách xác minh chủ nhân như hỏi hàng xóm, hỏi đơn vị quản lý tòa nhà... Với các gia đình, để phòng ngừa trộm cắp, bên cạnh việc khóa cửa cẩn thận có thể lắp thêm camera chống trộm hoặc gửi hàng xóm coi nhà giúp khi đi vắng, đặc biệt là trong dịp Tết.