(Tuổi Trẻ) - Ông Bùi Bách Tường, thợ sửa khóa ở 617 Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM), đang hí hoáy bên cuốn từ điển Anh - Việt thì một người đàn ông chạy xe tới. Người khách đưa cho ông ổ khóa cũ rồi quơ tay làm nhiều động tác trong không khí.
Ông cũng “múa” tay một hồi rồi gật gật đầu, thoăn thoắt tra cọng dây kẽm vào ổ khóa, ngoáy ngoáy chưa tới một phút, ổ khóa bật mở. Mất thêm bảy phút để đánh hai chìa khóa mới coóng còn lấm tấm bụi sắt. Người khách tra chìa mới vào ổ khóa mở thử, cả hai chìa đều mở tanh tách.
Mở cánh cửa thế giới
|
Ông Tường (trái) mở ổ khóa cho khách - Ảnh: My Lăng |
Sáu năm nay, người thợ sửa khóa bị câm điếc có cái tên mang ý nghĩa “100 điều may mắn” ấy đã quá quen với người dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3). Khách đến tiệm sửa khóa của ông đa số là khách quen. Nhiều người dân ở gần đó cứ bị mất chìa hoặc ổ khóa hư là đến tận nơi gọi ông tới nhà sửa khóa. Trong hộc tủ “kiếm cơm” của ông có hẳn một xấp giấy và cây bút để trao đổi với khách lạ. Nhiều người vì tò mò và vì thích tốc độ mở khóa rất nhanh của người thợ đặc biệt ấy mà học ngôn ngữ của người câm điếc để nói chuyện với ông.
Trong khi nhiều thợ sửa khóa khác làm chìa mới bằng máy cho nhanh chóng thì ông Tường vẫn tỉ mẩn với cách làm thủ công bằng tay (lấy thanh sắt giũa từng nấc chìa khóa). Người thợ câm điếc ấy làm nhiều người phục lăn bởi tốc độ mở khóa của mình. Các loại khóa của Trung Quốc, Việt Nam... khi có người nhờ, ông chỉ ngoáy ngoáy cọng kẽm vào lỗ, chưa tới một phút là ổ khóa bật tung ngay. Còn ổ khóa hiệu Yale (Mỹ) chỉ 10 phút là xong. “Quanh đây có chừng tám tiệm sửa khóa nhưng các tiệm khác làm chìa bằng máy. Chỉ có ổng là cổ lỗ sĩ làm bằng tay.
Nhưng coi vậy mà ngon. Chìa ổng làm răng cưa sắc, ngọt và khớp với ổ lắm, đút chìa vô là mở cái “cách” ngon lành” - bác Nguyễn Thành Có, một người khách quen của ông Tường, nói. Năm 2007, ông Tường nghĩ ra việc phải in danh thiếp. Ông giải thích: “Phải in để khách biết. Lỡ khách bị mất chìa mà không gặp tui ở đây (số 617 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3) thì gọi điện thoại về nhà má tui hoặc con gái út ghi lại địa chỉ rồi kêu tui về làm. Tui nhận làm tận nhà lận mà”.
Năm 2004, ông Tường bắt đầu tập chat với ông bạn người Mỹ cũng bị câm điếc nhưng biết chút ít tiếng Việt. “Ổng nói ổng chán tui và hỏi tại sao tui thông minh, chăm chỉ như vậy nhưng lại không chịu học tiếng Anh để nói chuyện với ổng. Thế là tui vô nhà sách mua quyển dạy những từ cơ bản về học” - ông Tường kể. Ông bắt đầu học từ vựng tiếng Anh, lấy tiền sửa khóa “đầu tư” hàng chục cuốn từ điển và giáo trình rồi tự học.
Mỗi ngày, tranh thủ lúc vắng khách, ông lôi từ điển ra học từ vựng. Ngày nào ông cũng dành ba giờ để học từ mới và ôn từ vựng cũ. “Thích lắm. Càng học càng thích” - ông ghi ra giấy rồi nhoẻn cười, gật gật đầu. Từ những câu giao tiếp bập bẹ ban đầu, ông thường xuyên tập chat với người bạn ở Mỹ bằng tiếng Anh. Ông không ngần ngại làm quen với những người bạn mới đến từ Philippines, Hà Lan, Đức, Pháp... để luyện tập. Hai năm sau, ông đã có thể giao tiếp tự tin bằng tiếng Anh với những người bạn nước ngoài. Thế giới rộng mở ra trong cách nhìn của ông.
|
Tranh thủ những lúc không có khách, ông Tường cặm cụi ôn lại từ vựng tiếng Anh và học thêm từ mới - Ảnh: My Lăng
|
Cái tên không như số phận
|
Một trong những cuốn sổ tay ghi lại từ vựng tiếng Anh và những câu giao tiếp thông dụng của ông Tường |
“Tôi có chín đứa con thì một đứa chết khi còn bé. Thằng Tường là con thứ tư. Hồi đó đông con quá nên lúc thằng Tường còn nhỏ, tôi không có thời gian trông nom suốt ngày. Nó ngã từ trên giường xuống đất nhiều lần lắm, không biết có phải vì vậy mà nó câm điếc hay không.
Lúc sinh, chồng tôi đặt tên cho nó là Bách Tường vì muốn nó được hưởng 100 điều may mắn. Nhưng tội nghiệp nó, toàn cái xui xẻo ở đâu ập vào thôi. Được cái nó câm điếc nhưng thông minh, lanh lợi, hoạt bát lắm” - bà Trịnh Muội Kính (84 tuổi), mẹ của ông Tường, kể.
Tuổi thơ của ông Tường lặng lẽ trôi qua quanh những góc tường nhỏ bé trong con hẻm 462 (đường Cách Mạng Tháng Tám,Q.3). Cô đơn, buồn bã, chàng trai quyết định học nghề nuôi sống mình. Năm 16 tuổi, Tường tới tiệm sửa khóa số 771 Cách Mạng Tháng Tám xin học nghề. Thầy dạy chính là người bạn thân cùng cảnh ngộ tên Sơn, hơn Tường 4 tuổi. Một năm sau, Tường hớn hở mở tiệm sửa khóa ở chợ Tân Bình. Không có khách. Tường kiên nhẫn chuyển qua bốn địa điểm khác ở quận 3, quận Tân Bình, quận Tân Phú nhưng vẫn ế. “Tui nghĩ phải biết viết chữ để nói chuyện với người ta thì mới có khách. Vậy là tui học viết” - ông nói.
Năm đó Tường 19 tuổi, bắt đầu miệt mài, cặm cụi học bảng chữ cái và tập viết chữ, đi đâu cũng nhìn những ký tự lòng ngòng trên các bảng hiệu ở nhà hàng, quán cà phê, nhà may, bản đồ chỉ đường... rồi tập đọc, tập hiểu nghĩa của nó. Nhặt được tờ giấy trắng nào, bất cứ ở đâu, Tường cũng hí hoáy tập viết. Hơn hai năm sau, Tường đã có thể diễn đạt suy nghĩ của mình ra giấy một cách nhuần nhuyễn. Dần dần, khách tìm đến Tường để sửa khóa ngày một nhiều hơn. Bây giờ, ông Tường khoe mỗi ngày trung bình kiếm được 100.000-150.000 đồng. “Khách của tui ở đây chủ yếu là khách quen lâu năm rồi. Họ tìm đến tui có thể vì tui là thợ sửa khóa câm điếc vui vẻ” - ông Tường dí dỏm "nói".
Năm 1987, trong một lần lang thang ra chợ Bến Thành mua quần áo, ông Tường gặp Nguyễn Thị Lạc - cô gái câm điếc mồ côi cả cha lẫn mẹ - đang bán áo quần. Người con gái Mỹ Tho 33 tuổi rất đẹp, trắng trẻo và hiền lành ấy đã hút hồn chàng trai 28 tuổi. Họ thương nhau rồi dắt díu về ra mắt gia đình anh. Họ thuê phòng trọ ở chợ phường 18 thuộc quận Tân Bình (nay là phường Phú Thạnh, Q.Tân Phú). Ngày nào cũng 7g sáng, người chồng lọc cọc đẩy xe sửa ổ khóa ra chợ, còn vợ ở nhà nội trợ.
Thu nhập bấp bênh, nhiều lúc rất khó khăn. “Nhưng vợ chồng tui sống với nhau rất hạnh phúc” - ông kể. 18 năm sau, người vợ đột ngột ra đi sau một cơn đau tim. Ông Tường cô đơn ở lại với ba cô con gái bé nhỏ. Ba cô con gái của họ rất xinh xắn và không bị khiếm khuyết như cha mẹ. Con gái lớn của ông là Bùi Kim Loan, 20 tuổi. 15g, Loan đi học tiếng Anh rồi vù đi làm thêm tới 23g mới đạp xe về tới nhà.
Cô thứ hai 17 tuổi, Bùi Kim Ngân, buổi sáng đi giúp việc nhà còn buổi chiều đi học. Cô út Bùi Kim Bông đang học lớp 7 Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.3). Kim Bông càng lớn càng xinh đẹp và rất giống mẹ. Cô bé tự học ngôn ngữ của người câm điếc để nói chuyện với cha.
Hỏi ông Tường sao không đi bước nữa, người đàn ông 50 tuổi trầm ngâm một hồi rồi viết ra giấy: “Tui thương ba đứa nhỏ”.
MY LĂNG