Chuyện quanh chiếc két sắt
“Két sắt chỉ ngừa… người ngay”. Đó là lời khuyên rất thật mà một chủ cửa hàng két sắt ở TP Quy Nhơn thường dành cho khách hàng. Vì nhìn chung các loại két sắt đều an toàn trong việc cất giữ tài sản, nhưng nếu chủ quan thì chủ nhân của nó có khi phải “nói lời chia tay” với cả gia sản chắt chiu dành dụm được.
|
Nhân viên Cửa hàng trang trí nội thất Châu Phát (bên trái) tư vấn cho khách hàng chọn mua két sắt. Ảnh: L.C |
Mua sự an toàn
Vài năm gần đây, nhu cầu sử dụng két sắt ngày càng tăng. Trên thị trường, các loại két sắt được bày bán có nhiều xuất xứ như: Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Việt Nam hoặc sản phẩm liên doanh. Két sắt có nhiều kiểu: dạng đứng, nằm, dạng tủ có bánh xe đẩy hoặc đặt âm tường… với nhiều trọng lượng khác nhau, từ 35kg, 45kg… đến vài trăm ký. Tuy khá đa dạng về chủng loại nhưng két sắt có thể tạm chia làm hai loại: két sắt có khóa cơ và két sắt khóa điện tử. Theo các cửa hàng kinh doanh nội thất, các loại két sắt có trọng lượng từ 45-110kg được mua nhiều nhất, vì kích cỡ phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ gia đình và giá cả vừa phải (khoảng 2,5-6,5 triệu đồng, tùy theo loại, nhãn hiệu, kích cỡ).
Đối phó với “tay nghề” ngày càng cao của các đối tượng trộm cắp, các nhà sản xuất két sắt cũng chạy đua để tăng cường tính an toàn cho sản phẩm. Một nhân viên của cửa hàng trang trí nội thất Châu Phát (đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, là đại lý của các loại két sắt Hàn Quốc), cho biết: “Két sắt thường được cấu tạo 3 lớp, đúc liền khối và dày tạo cảm giác chắc chắn. Đa số đều kết hợp hệ thống khóa chìa và khóa số, hoặc hệ thống khóa chìa và khóa điện tử. Nhiều loại còn có khóa định vị của núm cơ để chống dò mã số. Chìa khóa của két sắt cũng được sản xuất dạng chìa khóa bi, với hàng loạt lỗ lớn, nhỏ ở 2 bề mặt thân để không thể “nhân bản” được. Két sắt còn có loại chịu được sức nóng hơn 1.0000C liên tục trong hai giờ liền”.
Cũng theo nhân viên này, phần lớn két sắt đều có hệ thống báo động chống trộm, chỉ cần tác động một lực mạnh hoặc bị di chuyển đột ngột, hệ thống báo động tự động của két sắt sẽ báo động liên tục cho tới khi có người biết mã số đến giải mã mới ngưng. Đối với bộ khóa mã điện tử, nếu bấm mã số sai 3 lần trong lúc mở mạch điện sẽ bị ngắt, vô hiệu hóa việc mở tủ.
Các loại két sắt xét ở góc độ nào đó đều có tính an toàn cao, tuy nhiên, để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như mất trộm, mất chìa khóa, quên mật mã… thì còn phụ thuộc ở cách sử dụng của người dùng. Chị Yến - Chủ cửa hàng nội thất Thanh Duyên (đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) - tư vấn: “Các loại két sắt đều an toàn, tuy nhiên, người sử dụng cũng nên để ở những nơi riêng tư, kín đáo; khi chọn mật mã không nên chọn những số quá dễ nhận biết như số điện thoại, CMND, số nhà… đồng thời, nên chọn mật mã là số lẻ thì tính bảo mật cao hơn”.
Thách thức thợ khóa
Để kiểm tra độ an toàn của các loại khóa két sắt, chúng tôi đã tìm đến một số thợ sửa khóa ở TP Quy Nhơn. Hầu hết trong số họ đều không muốn nói về công việc nhạy cảm này. Tuy nhiên, những người làm nghề lâu năm vẫn còn nhắc đến thợ sửa khóa tên Dũng, dù ông đã chuyển ra Quảng Ngãi sinh sống được hơn 20 năm. Ngoài ra còn có thể kể đến ông thợ P. ở đối diện BVĐK TP Quy Nhơn; ông T.L. ở đường Trần Hưng Đạo…
Nhờ có thời gian theo học những phương pháp mở khóa ở Liên Xô (cũ), ông Dũng có thể “giải mã” nhiều loại khóa số của các két sắt thời trước những năm 1990. Trong đó, “phi vụ” đáng nhớ nhất là lần ông nhận mở 6 két sắt do các sĩ quan chế độ cũ để lại ở Lầu bà Đệ (khách sạn Thanh Bình ngày nay). Anh Q. (ở đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) vốn là một đệ tử của ông Dũng, nhớ lại: “Khi đó tôi còn khá nhỏ, nhưng cũng tham gia phụ giúp “sư phụ”. Chúng tôi vừa mở vừa run, vì rủi người ta cài lựu đạn trong đó thì hai thầy trò giỗ chung một ngày. May mà mọi việc êm xuôi, trong các két sắt đó chủ yếu là giấy tờ và có cả súng lục nữa”.
Dù vậy, trong số đó cũng có 1 chiếc két sắt do Nhật Bản sản xuất mà hai thầy trò hì hục cả tuần không cách nào mở được. Ngay cả khi phải dùng máy khoan để “xử lý” phần khóa cũng không thể xuyên thủng, vì phía trong có một tấm thép di động, khi mũi khoan chạm vào thì tấm thép cũng xoay tròn theo vòng tua chứ không bị xuyên qua như những vật cố định khác. Hết đường “cải tạo” để có thể dùng lại, hai thầy trò đành phải dùng mỏ hàn để “xẻ thịt” chiếc két sắt đó.
Từng theo phụ nghề sửa khóa của cha từ khi mới lên lớp 5, lại là người sáng dạ và được thầy Dũng đào tạo, anh Q. tỏ ra khá thông thạo các loại khóa, trong đó có khóa két sắt. Theo Q., khóa két sắt là một trong những loại khóa khó mở nhất, mỗi loại khóa két sắt đều có độ khó riêng, nên việc mở được hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm, khả năng nhận định của mỗi người và đôi khi là cả sự may mắn nữa. Tuy nhiên, điều cần nhất vẫn là sự kiên nhẫn của người thợ, bởi để dò được số của két sắt theo những thuật toán, có khi phải ghi chép lại gần một cuốn vở để dùng phương pháp loại trừ và tìm ra đáp án.
Thù lao của “thợ mở két” cũng vô chừng, phụ thuộc vào độ cần thiết và giá trị tài sản bên trong két. Tuy nhiên, công việc này thỉnh thoảng cũng gặp những “tai nạn bất ngờ”. Anh T., thợ sửa khóa ở đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, vẫn chưa quên lần bị chồng của một khách hàng bất ngờ về nhà rượt chạy có cờ, khi đến mở két sắt theo lời yêu cầu của vợ ông ta. “Làm nghề này phải kỹ tính một chút và phải biết nhìn người nữa. Bởi, không khéo lại vô tình tiếp tay cho kẻ gian hay người khác làm việc bậy bạ” - anh T. đúc kết.
Vì là một nghề nhạy cảm, chuyện gặp những chuyện phiền toái liên quan đến công việc đối với các thợ sửa khóa không phải là hiếm. Cũng vì lẽ đó mà anh Q. đã bỏ nghề sau hơn 20 năm gắn bó.
|
Thợ sửa khóa T. thực hiện thao tác dò khóa số trên két sắt. Ảnh: L.C |
Két sắt - đích ngắm của kẻ trộm
Khi nhắc đến két sắt, người ta nghĩ ngay đến sự an toàn và chắc chắn, vì vậy, vật dụng này đang trở nên thông dụng với nhiều gia đình để cất giữ những vật quý như tiền bạc, nữ trang hay những giấy tờ quan trọng. Bà N.T.H.T ở đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, cho biết: “Nhà tôi ít người, hằng ngày thường xuyên có việc phải ra ngoài, không ai trông coi nhà cửa nên mua két sắt để cất những loại giấy tờ quan trọng cho yên tâm. Có két sắt vừa đỡ lo bị trộm hay thất lạc giấy tờ, vừa có thể yên tâm nếu có hỏa hoạn xảy ra, vì loại két sắt này được cửa hàng giới thiệu có khả năng chống cháy nữa”.
Thế nhưng, két sắt vẫn là một trong những món đồ “ưa thích” nhất của đạo tặc, bởi nó chứa hầu hết những tài sản có giá trị của gia chủ, có khi là cả một gia tài. Tình trạng trộm két sắt đã xuất hiện ở tỉnh ta từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu xảy ra tại các cơ quan, doanh nghiệp. Sau một thời gian lắng xuống, đến năm 2012 nạn trộm két sắt tiếp tục tái diễn. Tháng 12.2012, với những chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) quyết định phá án, khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng. Các đối tượng khai nhận đã thực hiện 5 vụ trộm két sắt.
Chỉ sau một thời gian ngắn, loại tội phạm này đã xuất hiện trở lại, từ đầu năm 2013 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ trộm két sắt, trong đó riêng quý III xảy ra 5 vụ. Con số trên cho thấy tội phạm trộm két sắt đang tăng cường hoạt động và tình hình trộm cắp két sắt sẽ còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng, nhất là thời gian cuối năm. Cơ quan công an cho biết, tội phạm trộm cắp két sắt phần lớn hoạt động theo băng, nhóm, trước khi hành động thường điều tra nắm được quy luật hoạt động của nạn nhân, địa hình ngôi nhà, nơi để két sắt. Do đó, hầu hết những vụ trộm két sắt đều trót lọt, dù đó là loại két sắt lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, két sắt mini vẫn thường bị đối tượng trộm cắp nhiều nhất.
Khi tiến hành các vụ trộm, tùy theo tình hình mà đối tượng đập phá két tại chỗ hoặc chuyển đi nơi khác. Để tránh gây ra tiếng động lớn, bọn tội phạm dùng mền, gối (có sẵn trong nhà nạn nhân) lót dưới nền nhà, sau đó đặt két sắt lên để đập phá. Dụng cụ đối tượng sử dụng phá két thường là xà beng, búa tạ, cưa, tuốc nơ vít… Điển hình là vụ trộm xảy ra ngày 19.5.2013, tại trụ sở UBND xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, kẻ gian đã dùng cưa lá, lưỡi tròn cưa 2 lớp kim loại để phá két sắt trộm cắp trên 230 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn huyện Phù Mỹ xảy ra 2 vụ trộm két sắt khác, nhưng kẻ gian đã mang “chiến lợi phẩm” đi nơi khác để đục phá, lấy cắp tài sản.
Thượng tá Lâm Cự Hiếu - Phó Trưởng phòng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tỉnh, khuyến cáo: “Có thể nói, két sắt là tủ đựng tài sản an toàn nhất, nhưng với hoạt động manh động, liều lĩnh của tội phạm thì két sắt chẳng hơn gì những loại tủ khác. Vì vậy, dù đã sử dụng két sắt đựng tài sản, nhưng việc cảnh giác của mỗi người là cách tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lợi dụng gây án”.
LÊ CƯỜNG - ĐẶNG THÁI