Người thợ xe vượt lên tật nguyền
Võ Đình Minh - một thợ sửa xe máy đặc biệt nhất trong tất cả những thợ xe dọc đường Nam – Bắc mà tôi từng tiếp cận. Cơn sốt bại liệt năm lên 3 đã biến anh thành người tàn, nhưng chỉ với nghề sửa xe mà anh đang làm cho đời, cho những người đồng cảnh ngộ từ gần chục năm qua, đã chứng minh anh là người tàn nhưng không phế.
Ấn tượng với Võ Đình Minh ngay lần đầu gặp anh bởi với vẻ ngoài hiền hòa, giản dị trong tiệm sửa xe máy của mình ở Quy Nhơn, Bình Định, nhưng có lẽ hiếm có thợ sửa xe nào lại nổi tiếng như anh. Chưa hề qua bất cứ một trường lớp đào tạo về sửa xe gắn máy, nhưng anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng giá trị từ các cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định, giải Chiến thắng nỗi đau do Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội kết hợp cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức, lên sóng truyền hình Việt Nam trong chuyên mục Người đương thời, được sở Khoa học công nghệ Bình Định đăng ký quyền sở hữu trí tuệ những sản phẩm mà anh sáng chế ứng dụng cho xe gắn máy phục vụ cho người tàn tật… Đằng sau những hào quang rực rỡ ấy lại là cả một câu chuyện dài về người và nghề được anh Minh thổ lộ.
Cuộc đời lận đận
Là con lớn nhất trong một gia đình trung lưu, và sau Minh còn đến 7 người em, cơn sốt bại liệt năm lên 3 tuổi khiến ba mẹ Minh phải bán gia sản lấy tiền trị bịnh cho anh. Kể từ đó, cuộc sống gia đình anh trở nên lận đận với cái nghèo cứ đeo bám lấy mãi. Với một giọng trầm buồn, anh Minh tâm sự: “Tui cố gắng theo học cùng bạn bè đồng trang lứa, 15 tuổi (1972) tui bỏ trường vào Sài Gòn học nghề sửa máy nghe đài, tivi… Ý chí có, quyết tâm có, nhưng sức khỏe của một người tàn tật không cho phép tui làm được những việc như người thường, học được thời gian ngắn nhưng cái gì cũng phải nhờ thầy làm giúp, từ việc lấy con ốc, cây vít, bê giúp cái tivi… tui thấy mình vô dụng, tự bất mãn với chính tui và quyết định không học nghề nữa.
Cả nhà ba mẹ tôi phải gồng gánh nuôi 8 đứa con, tui không nỡ ngồi nhìn nên kiếm thằng bạn làm nghề sửa khóa, theo học nghề, mày mò và vượt cả nghề của bạn, trở thành thợ sửa khóa, mở khóa số 1 Quy Nhơn luôn, chuyên mở tủ két. Dân Quy Nhơn không biết tên tui, thấy tui đi nạng nên đặt biệt danh là ông Cụt sửa khóa. Tui nổi tiếng ngoài giang hồ nhưng ông già không tin tui giỏi nghề, đến hôm phòng vật tư Đường sắt có 10 cái tủ vừa là khóa số, vừa khóa chìa, các thợ khóa Quy Nhơn mời về đều bó tay rồi. Ông già đưa tui đến xem, nhìn qua tui nói làm được và chỉ trong buổi chiều tui mở được 9 cái.
Nghề khóa cũng không có ăn, tui bỏ nghề, theo má vào Sài Gòn đi buôn gạo đưa ra Quy Nhơn, Đà Nẵng bán kiếm lời. Người thường tháng đi 15 ngày, tui đi 27 ngày, tháng nào cũng thế. Dân đi buôn gạo cùng phải ngán vì thấy tui tàn tật mà làm dữ quá. Buôn gạo má chia lại ít tiền lời, tui quyết định tự đi buôn, đem cá chuồn từ Quy Nhơn theo tàu Thống Nhất ra chợ Đồng Xuân ở Hà Nội bán, được 7 chuyến, làm liều gom hết tiền lời đánh hàng thuốc tây. Bị bắt, vốn dành dụm và công sức lao động bay sạch.
Tui chuyển nghề đi thu gom lốp xe cũ cả khu vực miền Trung, thuê nhân công trong xóm hơn 10 người rút bố bán lại cho Sài Gòn để làm lốp xe đạp, tiền lời dành dụm được 2 cây, gom chuyến lốp lớn về nhà, tự nhiên giá chỉ bố hạ, chẳng ai mua nữa, lại mất toi 2 cây vàng. Tui vẫn máu đi buôn, ông già cho 8 chỉ vàng để đi buôn muối, lại xui gặp bão lũ, cả bao muối nước vô, vác lên vai nước chảy tuột còn lại chưa đầy nhúm muối hột… vốn liếng lại mất sạch”.
Cái khó ló cái khôn
Tui sống cực từ nhỏ, nên thất bại đến với mình riết rồi thành quen, cứ hễ bại là tui lại làm lại từ đầu. Nhưng từ khi tui lấy vợ (1986) thì mọi chuyện sáng sủa hơn vì có được người bên cạnh để chia sẻ cuộc sống. Của hồi môn 2 đứa được 2 chỉ vàng, tui bàn với bà xã mua cái xe ba gác máy từ Sài Gòn hết hơn 1 chỉ, rồi kêu thằng bạn làm nghề gò hàn sửa sang, hàn gắn, chắp vá cho có cái xe đi thu mua đồ phế liệu về bán lại. Cũng nhờ cái nghề mua đồ lạc xoong nên tui biết nhiều về ốc vít, chi tiết máy móc, xe cộ.
Nhà tui trong hẻm nhỏ, xe chạy ra vào khó khăn lắm vì không có số lùi, với mấy kiến thức thu gom đồ lạc xoong, tui tháo cái xe máy (1992), tự mày mò làm số lùi, sau 3 năm thì thành công, sau đó bạn bè khuyết tật ở Bình Định thấy hay, cứ đem xe đến nhờ tui làm giúp, từ đó thành thợ sửa xe hồi nào không hay. Làm xe xong, tiền công có khi chỉ là bữa nhậu, vì thực tình mà nói, anh em khuyết tật tụi tui ai cũng nghèo.
Bạn bè khuyết tật dần biết tiếng tui chế được xe có số lùi, đem xe tới ngày một đông, rồi anh em động viên tui tham gia các cuộc thi về khoa học kỹ thuật, tui được giải lại càng động viên tinh thần tui nhiều hơn nữa để làm xe cho anh em. Có bạn ở tận các tỉnh xa như Thanh Hóa, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn rồi Đà Lạt, Đắc Lắc… chỉ biết tui qua điện thoại cũng giao xe đến nhờ làm giúp. Từ thời gian mày mò cả năm trời để chuyển một bộ số tới có thêm số lùi, đến khi rút lại chỉ mất một tuần, và cuối cùng chỉ còn 5 tiếng đồng hồ là một kỳ tích mà nghĩ lại tui cũng không hiểu sao mình làm được.
Một lò xe độc đáo
Tui giống như ông thợ may, khách có khúc vải là con xe, đem tới yêu cầu cái gì thì may theo ý họ, tui dù chưa làm qua nhưng hễ nghĩ làm được là bằng giá nào tui cũng làm. Người cụt tay phải thì yêu cầu chuyển tay ga qua trái, chuyển tay thắng, tay ga xuống chân… Có bữa một người gọi điện hỏi tui làm xe có số lùi cho chiếc xe tay ga Atila được không, tui phân vân rồi xin gia hạn 15 ngày sau sẽ trả lời. Atila đâu rẻ gì, mà tui thì chưa bao giờ mày mò máy móc của nó, nên suốt ngày lấy xe chạy quanh Quy Nhơn xem ai sửa Atila thì xin vào nghiên cứu. 14 ngày không gặp xe nào, may đến ngày cuối, tiệm sửa xe gần nhà có 1 chiếc Atila đang sửa, tui xin vào xem, đo đạc, tính toán, rồi nghĩ mình làm được, trả lời luôn cho khách. Khách đem xe đến, tui mất đúng 1 tháng trời để chế ra bộ số lùi cho chiếc xe tay ga đầu tiên. Đây là chiếc xe gian nan nhất vì kết cấu xe tay ga hoàn toàn khác xe máy thông thường, chạy bằng dây curoa nên phải tính sao khi gắn số lùi xe chạy không hư bộ nhông, không bị giãn curoa, và quan trọng không thay đổi kết cấu và chi tiết máy để khi tháo 2 bánh phụ ra thì xe tay ga trở thành 1 chiếc xe bình thường.
Sau đó, những đơn hàng xe giá trị hơn như Air Blade, Spacy… khách cũng tìm đến cho tui chế hộp số lùi cho họ. Có lẽ do tui là người khuyết tật, nên những yêu cầu của anh em, tui thực sự hiểu và đồng cảm với những khiếm khuyết ấy, vì vậy nên cứ hễ người khuyết tật có khó khăn hay yêu cầu gì cho chiếc xe của họ, tui đều nhận làm được hết.
Một mình làm không xuể, tui quyết định thành lập công ty (2005), rồi nhận những anh em cũng là người khuyết tật vào học nghề, phụ tui làm xe. Không chỉ chế xe máy, tui chế cả số lùi cho xe điện, rồi bộ vận hành cho xe lắc tay, xe biết leo cầu thang… dành cho người khuyết tật, người bị tai biến… Cả những người chơi xe cũng đem xe đến nhờ tui và những anh em ở xưởng độ lại, làm thêm các chi tiết tạo cá tính cho xe”.
Ở xưởng xe của anh Minh, mỗi người đảm nhiệm một phần việc, thợ xe Huỳnh Trọng Quý, thâm niên trong lò xe của anh Minh là một người khuyết tật bị nặng nhất liệt cả hai chân, chỉ di chuyển được bằng đôi tay, nhưng rất khéo léo, chuyên về điện cho xe máy và thiết kế logo, tạo các mẫu xe đẹp, cá tính. Thợ hàn Nguyễn Hữu Phước chuyên về làm đồng, hàn điện. Thợ Phan Thanh Minh chuyên gò hàn… Tất cả kết hợp lại thành một tập thể hoàn chỉnh. Nhìn cơ ngơi khang trang của anh Minh, dẫu vẫn thấy anh tất bật với công việc, lấm lem dầu nhớt cùng những chiếc xe ngổn ngang đầy xưởng, nhưng ít nhiều trong ánh mắt đầy nghị lực của anh lúc này đã tràn đầy những niềm vui, niềm vui của vượt thắng tật nguyền. Và với công việc đang làm, ít nhiều đã góp phần chia sẻ thêm niềm vui cho những người đồng cảnh ngộ như anh trên khắp Việt Nam.
Bài và ảnh Nguyễn Đình
Theo báo Motostylish số 4 - Tháng 11/2010