Cái tâm của thợ sửa khóa
Với vài dụng cụ đơn giản, tự chế, những thợ sửa khóa lành nghề có thể dễ dàng mở được nhiều loại khóa nhà, khóa xe, hay thậm chí két sắt. Vì vậy, nghề này được xem là một trong những nghề nhạy cảm, cần người có tâm thật vững, mới không phạm tội hoặc bị kẻ gian lợi dụng. Những thợ sửa khóa tôi gặp, dù ít hay nhiều năm kinh nghiệm, cho rằng: “Nghề này muốn giàu nhanh cũng được, nhưng thà rằng kiếm mỗi ngày vài chục hay vài trăm ngàn đồng, đủ chi tiêu, nuôi con đi học, để tối về thanh thản, ngủ yên giấc”.
* Nghề không lỗi thời
|
Ông Tám Khỏe đang làm thêm chìa khóa cho khách hàng.
|
Kinh qua nhiều nghề khác nhau, từ công nhân nhà máy, chạy xe lôi đến bán nước mía lề đường,... năm 42 tuổi, ông La Văn Khỏe (thường gọi là ông Tám Khỏe), ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, mới tập tành theo nghề sửa khóa. Ông Tám Khỏe bảo: “Nhờ người quen ở TP Hồ Chí Minh dạy nghề, chớ thường người lạ ít học được nghề này!”. Chỉ với vốn kiến thức cơ bản trong khoảng 5 tháng học nghề, ông Tám Khỏe tự mày mò thêm, rồi mở một cái tủ nhỏ có treo mấy chùm phôi chìa kèm theo cái máy sao chìa khóa và bắt đầu đeo nghề ở đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều đến nay đã được 4 năm. Giữa nắng trưa gay gắt, xe cộ tấp nập qua lại, ông Tám Khỏe điềm nhiên ngồi một chỗ, một lúc lại có người đến nhờ làm chìa khóa nhà, chìa khóa xe. Tùy loại khóa, giá mỗi cái từ 4.000 đồng đến vài chục ngàn đồng. So với ngày xưa, hầu như bây giờ, nhà ai cũng có vài cái ổ khóa, chìa khóa. Hễ có trục trặc, những người thợ như ông Tám Khỏe lại có đất dụng võ. Với nụ cười tươi rói, ông Tám chia sẻ: “Nghề này, thường khách hàng tự đến tìm, mình cũng không phải nhọc lòng giành giật khách như nhiều nghề khác nên phù hợp với người lớn tuổi, sức khỏe yếu. Tuy nhiên, để giữ được khách, người thợ cần có tay nghề điêu luyện và tính giá cả phải chăng, không lợi dụng, “chặt chém” khi thấy họ đang cần”.
Có thâm niên 27 năm trong nghề, ông Tống Minh, thợ sửa khóa khá nổi tiếng, ngụ phường Hưng lợi, quận Ninh Kiều đã truyền nghề lại cho 7-8 người, đa số là người khuyết tật. Ông Tống Minh nói vui: “Cũng may, từ lúc mới biết nghề đến nay, lượng khách hàng không giảm nên mấy thợ của tui có thể bám nghề, ổn định cuộc sống”. Riêng ông Minh, trung bình mỗi ngày có thể kiếm được 100.000-300.000 đồng. Có khi gặp khách sộp, ông còn kiếm được nhiều tiền hơn. Trong thời gian chưa đầy nửa tiếng, ông Minh liên tục làm thêm và làm chìa mới cho hơn 5 vị khách. Trong đó, có trường hợp người lái xe vô tình mất chìa khóa xe, tìm tới ông cầu cứu; có người đem tới nguyên ổ khóa, bên trong có vướng nửa chìa khóa bị gãy, nhờ ông xử lý. Theo ông Minh, tất cả các loại ổ khóa thông thường đều có nguyên lý hoạt động tương tự nhau, nếu nắm chắc được nguyên lý này và có đôi tay khéo léo, cảm nhận tinh nhạy thì mọi việc khá dễ dàng. Còn những loại ổ khóa khó “ăn” là các loại khóa két sắt hay khóa điện tử hiện đại, tinh vi, thường không trục trặc về kỹ thuật nhưng có thể trục trặc do chính con người tạo ra và phải cần đến bàn tay người thợ. Ông Minh nhớ mãi lần ông được mời đi mở khóa két sắt của một cơ quan ở Ô Môn, do bị mất chìa khóa. Ông hì hục với cái két sắt hơn 6 tiếng mới mở được và đó cũng là lần mở khóa khó nhất mà ông đã thành công.
* Ranh giới giữa tốt và xấu
So với mở ổ khóa thì làm thêm chìa mau, tốn ít công và kiếm được nhiều tiền hơn nhưng việc mở được một ổ khóa khó, mới thật sự đem lại cho người thợ cảm giác thích thú. Duyên cớ đưa ông Minh đến với nghề sửa khóa cũng do một lần khóa nhà bị hư, không mở được phải kêu thợ. Chỉ với vài động tác, người thợ đã mở bung ổ khóa bằng vài dụng cụ đơn giản làm ông Minh tò mò rồi quyết tâm theo học. Nhưng trong quá trình nhận làm chìa, mở ổ khóa cũng lắm chuyện phức tạp mà những người thợ trẻ đôi khi không lường hết được.
Càng tìm hiểu mới thấy nghề này đòi hỏi người thợ phải hết sức trung thực và nhạy cảm để giúp đúng người, không bị kẻ xấu lợi dụng. Ông Tám Khỏe cho biết: “Những người đến nhờ mở khóa xe hoặc mở khóa nhà, khóa tủ, tôi thường tìm hiểu thật kỹ thông qua thái độ, độ tuổi, cách ăn mặc, nói chuyện và thậm chí hàng xóm của người đó, để chắc chắn đúng đó là chủ nhân ổ khóa gặp sự cố, tránh gặp phải rắc rối cho bản thân và cũng nhẹ lòng hơn”. Tuy nhiên, dù kỹ tính đến mấy, những người thợ sửa khóa lâu năm như ông Minh cũng vài lần gặp cảnh trớ trêu. Ông nhớ cách đây không lâu, một người khách lỡ làm mất chìa khóa, nhờ ông về nhà làm chìa giúp. Biết chắc người này đã trên 18 tuổi, ông mới đi theo. Về tới nhà, trong lúc người thanh niên cầm nguyên xâu chìa khóa mở từ cổng rào đến nhà trong, ông Minh hỏi thăm người xung quanh biết người này chính xác là chủ nhà, ông mới yên tâm “tác nghiệp”. Thế nhưng, trong lúc đang lui cui làm, thì cha người thanh niên về và cho rằng ông Minh cấu kết với con ông ta ăn cắp xe máy. Lần đó, ông Minh bị Công an phường mời làm việc, sau khi tìm hiểu sự tình, ông được minh oan và có thêm bài học kinh nghiệm cho nghề. Với ông Minh hay ông Tám Khỏe, ngoài những tình huống bất ngờ thì những trường hợp khách hàng nhờ làm chìa khóa vẽ trên giấy hay in trên đất sét, dù được trả tiền công rất cao, cũng tuyệt đối không nhận, vì cho rằng, đó là chìa giả mạo, sử dụng bất chính.
Hiện nay, nghề sửa khóa có sự trợ giúp của máy móc, kỹ thuật nhưng chủ yếu vẫn là khả năng kiên nhẫn, ham học hỏi, đôi tay khéo léo và cảm nhận tốt của thợ. Để trang bị máy móc và dụng cụ hành nghề, người thợ cần số vốn từ 10-25 triệu đồng. Vững tay nghề và tâm hồn trong sáng, kiếm tiền dựa vào sức lao động chân chính, thì với nhiều thợ sửa khóa, đây là nghề thú vị và mang lại thu nhập, cuộc sống ổn định.
Bài, ảnh: MỸ TÚ