Người câm đặc biệt
Anh Tường viết thoăn thoắt trên xấp giấy trắng: “Xe bị mất chìa phải không?” - tôi gật đầu. Lại viết: “Anh muốn làm lại mấy chìa?”, tôi giơ một ngón tay. Trong khi tôi còn bàng hoàng, tự chất vấn mình: Vì sao một người câm điếc lại viết được chữ thì anh đã kéo xoạch tủ đồ nghề nhặt hai thanh sắt nhỏ, tiến tới ổ khóa của chiếc xe tôi thăm dò.
Hai phút ngoáy sâu tìm hiểu lòng khóa, ba phút khứa chìa mới, một phút mở thử, một phút chuốt lại. Ổ khóa xe tôi là loại bốn chấu (bốn cạnh- loại khóa rất khó mở), vậy mà người thợ câm điếc ấy chỉ mất bảy phút để “chế” ra một chìa khóa mới toanh còn vương bụi sắt. Bật khóa, xe nổ. Anh cười, bàn tay nắm lại, ngón cái giơ lên trời.
Tên đầy đủ của anh là Bùi Bích Tường, 48 tuổi. Ở TPHCM, đường Cách Mạng Tháng Tám nổi tiếng là con đường có nhiều điểm sửa khóa. Có ngót nghét 30 thợ hành nghề ở khu vực này. Anh Minh Huân sửa khóa ở 771 Cách Mạng Tháng Tám cười ha hả: “Thằng Tường câm điếc đó hả, giỏi nhất ở đây đấy. Nó mở khóa lẹ lắm. Gớm, câm điếc mà còn biết chữ, khoảng 3 tháng nay còn “chơi” luôn cả tiếng Anh, thấy khách nước ngoài ghé nó mà thèm”.
Cái tin anh Tường biết tiếng Anh làm tôi sững người. Ở cái tuổi 48, không nói được nghe được mà biết tiếng Anh? Tôi vòng xe lại chỗ anh Tường (617 Cách Mạng Tháng Tám) thì mọi cảm giác trong tôi như chết lặng: Anh đang trao đổi bằng giấy bút với hai người nước ngoài về việc họ muốn anh làm lại khóa chiếc xe Dream bị mất chìa...
Cánh cửa đời anh đã bao lần bị khóa!
Bà Trịnh Nuôi Kính (81 tuổi), mẹ anh Tường, kể lại: Bà sinh được 4 người con, chẳng hiểu cớ gì riêng Tường lại không biết nói biết nghe. Năm Tường 11 tuổi, đành lòng bà gửi anh vào trường câm điếc Thái Dương dưới Lái Thiêu- Bình Dương. Mới 2 tuần Tường đã bỏ trốn, tìm đường về nhà. Nhưng với một đứa trẻ câm điếc thì con đường từ Bình Dương về Sài Gòn thật mù mịt. Anh bị lạc. Biết chuyện, bà Kính đăng tin trên báo đài. May thay vài tuần sau 2 anh cảnh sát chở Tường từ Lái Thiêu về tận nhà.
Cả tuổi thơ Tường chỉ quanh quẩn trong con hẻm 462 Cách Mạng Tháng Tám. Ai cũng lánh xa và coi Tường như một người thừa. Năm 15 tuổi, từ cô đơn chán chường tột độ, Tường vùng dậy quyết tìm nghề nuôi mình. Anh gặp được người thầy lý tưởng. Đó là một thanh niên tên Sơn, hơn Tường 4 tuổi, cũng bị câm điếc. Ở tiệm sửa khóa số 771 Cách Mạng Tháng Tám, qua ký hiệu của người câm, Sơn truyền hết ngón nghề mở khóa cho Tường.
Một năm sau, Tường háo hức đi lập nghiệp. Ngọn lửa vừa nhen nhóm lại bị dập tắt, anh “phá sản” vì ế. Nhìn bộ dạng gầy đói, chỉ biết ú ớ của anh, chẳng ai ghé tiệm. Tường lại rơi vào tuyệt vọng, cứ vất vưởng lang thang. Trong tháng ngày đó anh gặp được cô gái câm rất đẹp tên Nguyễn Thị Lạc, anh như tìm được lẽ sống của đời mình. Anh quyết định học viết chữ và quay lại nghề sửa khóa.
Năm ngón tay chụm lại chỉ vào ngực ứng với chữ “tôi”, cứ thế Tường học từ chữ này qua chữ khác trên sách dành riêng cho người câm. Miệt mài mãi Tường cũng hiểu và viết được hết mặt chữ. Tiệm sửa khóa của Tường bắt đầu đông khách. Ai bị mất chìa khóa xe, khóa nhà, khóa cơ quan... đều tới nhờ Tường. Hơn nữa cách đối thoại bằng giấy bút cũng làm cho khách cảm thấy thú vị và mến người thợ này hơn. Anh bắt đầu làm danh thiếp để bắt mối. Theo danh thiếp, ai gọi điện thoại (số 08-9934-266) thì mẹ anh nghe máy giùm rồi viết lại để anh biết. Trên danh thiếp còn có e-mail: Luc_Ky39@yahoo.com, ngày nào anh cũng check mail 4-5 lần để xem có khách hàng mới hay không.
Một ngày kiếm được gần trăm bạc, năm 1987 anh tự tin cưới vợ. Người anh chọn là cô gái câm tên Lạc ngày ấy. Hạnh phúc đã đến thực sự. 16 năm hai người câm chung sống với nhau, ngày ngày 10 giờ sáng anh đi làm, 3 giờ chiều về trò chuyện bằng ngôn ngữ của người câm với vợ. Đời vui chỉ là thế, vậy mà tai ương lại cứ đeo đuổi anh. Ngày 30-5-2003 trong một cơn đau tim, vợ anh đột ngột ra đi để lại cho anh 3 đứa con gái. Anh sụp đổ, rồi lún vào rượu chè. Chẳng còn ai trên đời này anh muốn trò chuyện nữa. Tiệm sửa khóa cũng vơi khách dần.
Ba cô con gái của anh đều bình thường, không mắc bệnh câm như bố mẹ. Đặc biệt bé út là Bùi Thị Kim Bông (đang học lớp 5 Trường Tiểu học Trần Văn Đang, Q.3) càng lớn lại càng giống mẹ. Bông tự học cách ra dấu tay để nói chuyện với bố. Thương con và thấy hình ảnh người vợ của mình qua con, nên anh lại gượng dậy sống hết mình với nghề sửa khóa để có tiền cho con ăn học.
“Tôi kén đệ tử lắm!”
Giới thợ khóa trên đường Cách Mạng Tháng Tám phục Tường ở tốc độ mở khóa. Một ổ khóa tủ kiếng hiệu Yale của Mỹ bình thường thợ khác mở phải mất 15 phút thì với anh 10 phút là xong. Có loại khóa cực tốt như DoYen của Ý (bằng inox, rất to, nặng), nhiều thợ bó tay nhưng anh vẫn chinh phục được. Còn các loại khóa khác giá 15.000 – 25.000 đồng của Trung Quốc, Việt Nam... thì anh lúc lắc cọng kẽm vào lỗ một tí là xong. Trong khi đa phần thợ sửa khóa cắt chìa bằng máy (giá mua máy gần 4 triệu đồng) thì anh vẫn trung thành với cách cắt bằng tay (lấy thanh sắt giũa từng nấc khóa). Làm thủ công như thế nhưng chưa khi nào anh để khách phải chờ lâu.
Biết tay nghề anh, nhiều thanh niên đến tiệm muốn anh dạy, nhưng có người nhìn mặt, anh từ chối. “Đây là cái nghề không thể chọn đệ tử dễ dàng được”. Câu nói này anh đúc kết từ sự điên cuồng thời trai trẻ của chính anh: năm 1982, 23 tuổi, chán ghét cảnh nghèo đói, anh liều lĩnh cầm đồ nghề đến chợ Tân Bình mở tủ một tiệm vàng. Vừa sờ mấy món nữ trang, tay anh run bần bật, chân bước không nổi. Và kết quả là 6 tháng tù tội.
Thật sự tôi hơi buồn, vì một con người đầy nghị lực như anh lại có lúc trộm tiệm vàng. Song trên trang giấy trắng đặt trước mặt tôi, anh Tường đã viết dòng chữ chân thành: “Đó là nỗi hối hận và xấu hổ nhất của người thợ sửa khóa”.